Bảo hiểm PVI là một trong những đơn vị Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Bảo hiểm PVI khẳng định tầm vóc của một Định chế Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Hiện nay PVI cho ra mắt nhiều sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mọi cá nhân, gia đình và tổ chức. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao chính vì thế nhu cầu sử dụng xe ô tô ngày càng cao, hiểu được điều đó Bảo hiểm PVI cho ra đời sản phẩm bảo hiểm xe ô tô. Để hiểu hơn về sản phẩm này IBAOHIEM sẽ chia sẻ một số thông tin trong quy tắc sản phẩm này. Tại phần này cùng tìm hiểu phần “Các định nghĩa” theo quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô PVI (Ban hành theo Quyết định số 938/QĐ-PVIBH ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI trên cơ sở chấp thuận của Bộ Tài chính theo công văn số 14569/BTC-QLBH ngày 22/11/2018)
Xem chi tiết quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô PVI tại đây: Quy tắc bảo hiểm xe cơ giới PVI Hiệu lực từ ngày 09/12/2021
Tìm hiểu sản phẩm bảo hiểm xe ô tô PVI tại đây: Bảo hiểm xe ô tô PVI
Điều 1: Định nghĩa
1. Xe ô tô: Là loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ hoạt động bằng động cơ, có từ bốn bánh trở lên (trừ các loại xe chạy trên đường ray) và thường được dùng để chở người và/hoặc hàng hóa, kéo các rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt. Xe ô tô gồm các loại xe theo mục đích sử dụng như sau:
a. Xe chở hàng: bao gồm xe ô tô tải (hay còn gọi là xe tải), Rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, ô tô đầu kéo và các loại xe tương tự.
b. Xe chở người:
- Xe ô tô con (hay còn gọi là xe con): là xe ô tô để chở người không quá 9 chỗ ngồi (bao gồm lái xe) được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Ô tô khách (hay còn gọi là xe khách): là xe ô tô để chở người lớn hơn 9 chỗ ngồi (bao gồm lái xe) được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Xe buýt: là xe ô tô khách có số chỗ ngồi ít hơn số chỗ đứng hoặc là xe ô tô khách được sử dụng vào mục đích vận tải hành khách công cộng.
c. Xe vừa chở người vừa chở hàng: bao gồm xe bán tải (xe pickup), xe tải Van – ô tô thùng kín có khoang chở hàng liền khối với khoang người ngồi có bố trí cửa xếp dỡ hàng hoặc các loại xe vừa chở người vừa chở hàng khác theo quy định của pháp luật
d. Xe ô tô chuyên dùng: là ô tô có kết cấu và trang bị các thiết bị phụ trợ để thực hiện một chức năng công dụng riêng biệt, bao gồm ô tô quét đường, ô tô hút chất thải, ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô bơm bê tông, ô tô cần cẩu, ô tô thang, ô tô khoan, ô tô cứu hộ giao thông, ô tô truyền hình lưu động, ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu, ô tô kiểm tra cáp điện ngầm, ô tô chụp X-Quang, ô tô phẫu thuật lưu động, ô tô cứu thương, ô tô vận chuyển tiền, xe chuyên sử dụng cho tang lễ…
e. Ô tô điện:là xe ô tô chạy bằng một hoặc nhiều động cơ điện sử dụng 100% năng lượng được lưu trữ trong bộ pin điện động cơ và là nguồn năng lượng duy nhất để xe ô tô hoạt động.
Bộ pin điện động cơ: được sử dụng để lưu trữ năng lượng điện cung cấp cho động cơ điện, có thể sạc nhiều lần.
f. Xe máy chuyên dùng: bao gồm máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng…
2. Chủ xe: là cá nhân, tổ chức sở hữu xe Ô tô (bao gồm cả trường hợp đã có Hợp đồng mua bán xe nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi đăng ký theo quy định) hoặc cá nhân, tổ chức được giao chiếm hữu, sử dụng xe Ô tô.
3. Bên mua bảo hiểm: là cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng bảo hiểm với Bảo hiểm PVI và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể là Chủ xe hoặc không phải là Chủ xe.
4. Người được bảo hiểm: là Chủ xe và/hoặc người ngồi trên xe có tính mạng, tài sản được bảo hiểm.
5. Lái xe: là người điều khiển Xe được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất.
6. Thời gian sử dụng xe: là khoảng thời gian tính từ tháng xe mới 100% đăng ký lần đầu tại Việt Nam đến tháng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng ở nước ngoài, thời gian sử dụng tính từ tháng 01 của năm sản xuất đến tháng tham gia bảo hiểm.
7. Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải trả cho Bảo hiểm PVI tại thời điểm Bảo hiểm PVI cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc theo thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
8. Giấy yêu cầu bảo hiểm (viết tắt là GYCBH): Là biểu mẫu của Bảo hiểm PVI được sử dụng để bên mua bảo hiểm ghi rõ các yêu cầu bảo hiểm, được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử trên website/ứng dụng bán hàng trực tuyến, nhằm thiết lập Bộ hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp Bên mua bảo hiểm không ký vào GYCBH hoặc không gửi GYCBH đã ký cho Bảo hiểm PVI, nhưng đã nộp phí bảo hiểm thì được coi là Bên mua bảo hiểm đã đồng ý với thông tin ghi trên HĐBH/GCNBH mà Bảo hiểm PVI đã cấp cho Chủ xe.
9. Giấy chứng nhận bảo hiểm (viết tắt là GCNBH): Là giấy xác nhận trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm PVI với Người được bảo hiểm theo các phạm vi bảo hiểm, điều kiện, điều khoản được ghi trên GCNBH, được Bảo hiểm PVI cấp cho Chủ xe. Cùng với GYCBH và/hoặc phí bảo hiểm đã được nộp, GCNBH là bằng chứng của việc ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa Bên mua bảo hiểm và Bảo hiểm PVI, chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Quy tắc này.
10. Sửa đổi bổ sung (viết tắt là SĐBS): Là văn bản do Bảo hiểm PVI cấp cho Chủ xe, xác nhận các thay đổi về nội dung của GCNBH đã cấp trước đó trên cơ sở chấp thuận các yêu cầu điều chỉnh đơn bảo hiểm của Bên mua bảo hiểm và là một bộ phận không tách rời của GCNBH.
11. Các Điều khoản bảo hiểm bổ sung: Là các điều khoản mở rộng hoặc giảm bớt phạm vi bảo hiểm được quy định trong GCNBH do Bảo hiểm PVI cấp và/hoặc quy định trong HĐBH.
12. Bản Hợp đồng bảo hiểm (viết tắt là HĐBH): là văn bản thoả thuận do Bên mua bảo hiểm và Bảo hiểm PVI cùng ký kết. Mọi thay đổi liên quan đến nội dung của bản HĐBH đã ký kết phải được các bên thoả thuận và xác lập bằng bản Phụ lục hợp đồng đối với các thay đổi liên quan đến nội dung được ghi trên GCNBH. Theo đó, Bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho Chủ xe khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thuộc phạm vi bảo hiểm.
13. Bộ Hợp đồng bảo hiểm: phải được lập bằng văn bản bao gồm GYCBH (nếu có), GCNBH, Quy tắc bảo hiểm, các Điều khoản bổ sung, (các) Sửa đổi bổ sung (nếu có), bản Hợp đồng bảo hiểm (nếu có), (các) Phụ lục hợp đồng (nếu có) và các thỏa thuận khác bằng văn bản (nếu có). Trong mọi trường hợp, Bên mua bảo hiểm đã ký giao kết HĐBH thì không bắt buộc phải có GYCBH. Bảo hiểm PVI cung cấp Quy tắc bảo hiểm, các Điều khoản bổ sung trực tiếp hoặc đăng tải các tài liệu liên quan trên website của Bảo hiểm PVI.
14. Giá thị trường: là giá mua bán trung bình của chiếc xe tương tự cùng năm sản xuất, cùng hãng sản xuất (maker), cùng mẫu xe (model) được chào bán trên thị trường ngay tại thời điểm cần xác định.
15. Giá trị bảo hiểm: Là giá trị thực tế của xe do Bên mua bảo hiểm thỏa thuận với Bảo hiểm PVI và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm tham gia bảo hiểm.
16. Số tiền bảo hiểm (viết tắt là STBH): Là số tiền mà Bên mua bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm và được ghi trên GCNBH/ HĐBH nhưng không cao hơn Giá trị bảo hiểm.
17. Bảo hiểm dưới giá trị: Là việc Bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm với Số tiền bảo hiểm thấp hơn Giá trị bảo hiểm.
18. Mức khấu trừ (còn gọi là Mức miễn thường có khấu trừ): Là số tiền mà Người được bảo hiểm sẽ phải tự chịu đối với mỗi vụ tổn thất có thể được bồi thường theo GCNBH / HĐBH. Mức khấu trừ quy định trên GCNBH / HĐBH sẽ được trừ vào số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
19. Cơ sở sửa chữa chính hãng: là (các) cơ sở sửa chữa, showroom của công ty/ chi nhánh, đại lý bán/ phân phối xe được hãng sản xuất xe/ nhà phân phối xe ủy quyền hợp pháp thực hiện dịch vụ sửa chữa và cung cấp các loại phụ tùng chính hãng.
20. Những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm: Số tiền bảo hiểm, mục đích sử dụng xe, kết cấu xe, thiết bị / phụ kiện lắp thêm …
Liên hệ nhanh