BẢO HIỂM TRỰC TUYẾN

GIAO BẢO HIỂM TẬN NƠI TOÀN QUỐC

Khi nào thì vật tư xe hư hỏng trong tai nạn được thay thế hay sửa chữa trong bảo hiểm xe cơ giới?

Khi nào thì vật tư xe hư hỏng trong tai nạn được thay thế hay sửa chữa

Người Việt Nam có câu: Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng. Với tâm lý đó, khi được giải quyết quyền lời bảo hiểm, rất nhiều khách hàng là chủ xe cơ giới đều muốn được thay mới vật tư hư hỏng vì MÌNH CÓ MẤT TIỀN ĐÂU. Tuy nhiên, bảo hiểm không hoạt động trên ý kiến chủ quan của một ai đó, bảo hiểm có những nguyên tắc riêng của ngành. Một trong số đó là nguyên tắc bồi thường: Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm có thể nhận trong mọi trường hợp không lớn hơn thiệt hại của họ trong sự kiện bảo hiểm. Có thể hiểu ngắn gọn là trong việc bồi thường: Khách hàng luôn luôn không được lợi ích thêm.

Nghe đến đây có thể nhiều anh chị khách hàng không thích. Nhưng sự thực là bảo hiểm bồi thường dựa trên nguyên tắc đó để nhằm tránh việc trục lợi bảo hiểm; cũng như tránh việc khách hàng “mong muốn” xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều này trái với mục đích và ý nghĩa của việc bảo hiểm ra đời, đó là bảo vệ những rủi ro không mong muốn và khôi phục lại giá trị tài chính như trước lúc xảy ra sự kiện bảo hiểm cho khách hàng.

Quay lại câu chuyện muôn thuở trong bảo hiểm xe cơ giới về thay thế hay sửa chữa vật tư hư hỏng?

Trong quy tắc bảo hiểm của các doanh nghiệp, IBAOHIEM chưa tìm thấy một Công ty nào quy định rõ về việc này. Có lẽ vì vật tư của xe quá nhiều loại; thông thường 1 chiếc xe ô tô có khoảng 5.000 linh kiện. IBAOHIEM mạn phép xin chia sẻ theo quan điểm của IBAOHIEM như sau:

Vật tư hư hỏng của xe cơ giới trong bảo hiểm được chia thành 3 nhóm chính

Nhóm 1: Vật tư không thể khắc phục được. Những vật tư ở nhóm này thuộc dạng khi hư hỏng là không thể khắc phục được. Khi đó, Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) sẽ luôn đồng ý cho khách hàng thay thế mới. Ví dụ: đèn pha hỏng chóa, không ai khắc phục được → thay mới

Nhóm 2: Vật tư có thể khắc phục được nhưng khó và không đảm bảo an toàn kĩ thuật. Những vật tư ở nhóm này thuộc dạng khi hư hỏng là rất khó có thể khắc phục được. Khắc phục được thì lại không đảm bảo an toàn kĩ thuật.

Ví dụ: Càng A bị cong. Về mặt toán học có thể khắc phục được nhưng sẽ không một cơ sở nào dám đảm bảo càng A đó sẽ đảm bảo an toàn kĩ thuật do chỉ cần lệch 1 mm ở càng sẽ dẫn đến hiện tượng lốp bị ăn lái, mòn vẹt gây nguy hiểm cho xe khi vận hành sau này.

Nhóm số 2 này là những vật tư thường xuyên bị tranh chấp giữa khách hàng và DNBH. Lí do là rất nhiều giám định viên (GDV) và DNBH cố tình chỉ đồng ý phương án sửa chữa mà lờ đi rằng việc sửa chữa này sẽ gây mất an toàn cho việc vận hành xe về sau.

Ví dụ: Lazang bị méo và DNBH chỉ cho khắc phục dù chẳng có gara nào làm hoàn thiện được.

Những trường hợp vật tư thuộc nhóm này hư hỏng đòi hỏi GDV phải TRUNG THỰC TUYỆT ĐỐI, đánh giá một cách rất khách quan mức độ hư hỏng của các vật tư và đề xuất thay mới. Vẫn với ví dụ về lazang; các Hãng sản xuất đều có khuyến cáo về “độ méo” của lazang, khi cho lên bàn quay có độ lệch nhất định thì luôn yêu cầu phải thay mới. Một lazang có độ lệch không đều rất dễ khiến cho xe bị mất tay lái, lốp xì hơi…(Không đảm bảo an toàn kĩ thuật)

Nhóm 3: Vật tư có thể khắc phục được và đảm bảo an toàn kĩ thuật. Vật tư thuộc nhóm này có tranh chấp những lại rất dễ giải quyết. Có một số ý kiến cho rằng việc “khôi phục” trong bảo hiểm tương đồng với việc “thay mới”. Ý kiến như vậy là phiến diện và cố tình hướng khách hàng hiểu sai đi bản chất của bảo hiểm.

Vật tư xe có 2 đặc tính: Kĩ thuật và mỹ thuật. Việc khôi phục vật tư như trạng thái trước khi xảy ra tổn thất tức là việc làm cho vật tư đảm bảo 2 yếu tố: kĩ thuật và mỹ thuật. Có nghĩa là sau khi sửa chữa xong, vật tư đó sẽ đảm bảo an toàn khi vận hành và bằng mắt thường, không nhận biết được vật tư là sửa chữa hay thay mới. Còn nếu cố tình hiểu rằng khôi phục phải là cho trở lại như cũ thì là điều không thể, vì không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông. Việc doanh nghiệp bảo hiểm duyệt sửa chữa những vật tư này bên cạnh yếu tố tiết kiệm chi phí cho tất cả các bên còn dựa trên một điều quan trọng hơn: Khách hàng không có lợi trong vụ tổn thất. Vì nếu cánh cửa xe chỉ cà xước sơn mà cho thay mới thì rõ ràng, chủ xe nào cũng có động cơ, mong muốn cho xe mình bị cà xước để được thay cửa mới; đặc biệt với những chiếc xe đã nhiều tuổi.

Ví dụ: Một cánh cửa tôn bị bẹp. DNBH sẽ duyệt cho việc gò nắn và sơn lại. Phương án sửa chữa như này là thỏa đáng vì với kĩ thuật hiện nay; việc khắc phục lại như này vẫn đảm bảo an toàn kĩ thuật xe và vẫn đảm bảo thẩm mỹ. Cũng phải nói thêm rằng, nếu xe không có bảo hiểm, 99% khách hàng cũng sẽ chỉ sửa cánh cửa chứ không thay mới.

Một số trường hợp khi chi phí sửa chữa lớn hơn chi phí thay mới, hoặc lớn hơn 1 tỉ lệ nhất định của vật tư thay mới (thông thường các doanh nghiệp hay áp dụng tỉ lệ 70-75%); DNBH sẽ chấp nhận cho thay vật tư mà không sửa chữa. Quy định này có thể không có trong quy tắc nhưng đã được áp dụng như là một “tập quán” trong ngành bảo hiểm. Mà đã là tập quán thì áp dụng sẽ không vi phạm pháp luật (nếu luật không cấm).

Có ý kiến cho rằng, với tỉ lệ phí đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay thì phí này sẽ phải thay mới. Xin chia sẻ thêm: Ở các nước Asean hay Châu Âu đã áp dụng tỉ lệ phí xe từ 5-7% giá trị xe (cao hơn từ 3 – 4 lần Việt Nam). Họ cũng rất hay cho thay mới vật tư vì chi phí nhân công sửa chữa của họ quá đắt, trái ngược hoàn toàn với Việt Nam khi chi phí nhân công còn khá rẻ.

Tìm hiểu thêm: Hiểu sai về bảo hiểm xe cơ giới (Phần 1), Hiểu sai về bảo hiểm xe cơ giới (Phần 2), Bảo hiểm xe ô tô

 

Liên hệ nhanh

    ...