BẢO HIỂM TRỰC TUYẾN

GIAO BẢO HIỂM TẬN NƠI TOÀN QUỐC

(Chinhphu.vn) – Tính đến ngày 4/4, mới có 179/718 chung cư cao tầng ở Hà Nội mua bảo hiểm cháy, nổ.

Theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, đến ngày 15/4/2018, chung cư cao tầng nằm trong số các công trình có nguy hiểm về cháy nổ phải thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

bảo hiểm chung cư
bảo hiểm chung cư

Tuy nhiên, TTXVN dẫn nguồn thông tin từ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hà Nội, thì tính đến ngày 4/4, mới có 179/718 chung cư cao tầng ở Hà Nội mua bảo hiểm cháy, nổ. Trong số 179 chung cư này, hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp.

Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/4, các công trình nguy hiểm về cháy, nổ như: Nhà chung cư, khách sạn; nhà trẻ, trường mầm non; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên; bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Xem thêm: Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm…).

Nghị định số 23 cũng quy định, doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC…

Nghị định nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công an, các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương liên quan đến vấn đề mua bảo hiểm cháy, nổ… trong đó, có quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các chung cư.

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, năm 2017 và quý I/2018, Thành phố đã xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017 khoảng 820 vụ, quý I khoảng 280 vụ), trong đó có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng. Những vụ cháy nêu trên đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra, phúc tra gần 38.000 lượt đơn vị, cơ sở, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục hơn 105.000 tồn tại thiếu sót về PCCC, xử phạt hơn 4.000 tổ chức, cá nhân gần 13 tỷ đồng.

Công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở qua rà soát đã thống kê, Thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Qua đó lập hồ sơ quản lý 18.246 cơ sở, trong đó có 8.207 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ.

Tính đến ngày 2/4, Hà Nội vẫn còn 29 công trình vi phạm quy định về an toàn PCCC trong đầu tư xây dựng, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục.

Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Trước thực trạng này, trong thời gian tới, Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ rà soát kiểm tra 100% công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, trong đó có 718 tòa chung cư cao tầng.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Liên hệ nhanh

    ...